Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 12:12
Tin nóng:
Than Uyên - Lai Châu: Phát triển thương hiệu gạo Séng Cù Người tiêu dùng cần cẩn trọng về gạo "Séng cù xanh" rao bán rầm rộ trên mạng xã hội Gạo Séng Cù Điện Biên: “Viên ngọc quý” của Tây Bắc |
Tiềm năng lớn từ sản phẩm đa dạng
Điện Biên là địa phương thuộc vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, là nơi sinh sống của đông đảo bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Điện Biên không chỉ nổi tiếng với di tích lịch sử mà còn sở hữu những sản phẩm nông sản đặc trưng như gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
![]() |
Gạo Séng Cù là một loại nông sản Điện Biên tiêu biểu (Ảnh minh hoạ) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết, tỉnh Điện Biên giống như nhiều tỉnh thành phía Tây Bắc có nhiều đặc sản Tây Bắc mà ở các thị trường lớn có nhu cầu. Sản phẩm gạo của Điện Biên hiện nay khá nổi tiếng ở thị trường trong nước, với nhiều dòng gạo được tiêu thụ rộng rãi ở miền xuôi như Gạo Tám thơm Điện Biên, Gạo Séng Cù Điện Biên, Gạo nếp nương Điện Biên, Gạo lứt đỏ Điện Biên, Gạo lứt đen Điện Biên…
“Thế nhưng, các sản phẩm này dù có chất lượng nhưng sản lượng lại không cao. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao” – ông Hoàng Trọng Thuỷ nói.
![]() |
Cà phê cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của Điện Biên (Ảnh: TTXVN) |
Tỉnh Điện Biên cũng có rất nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm như mắc ca, hiện nay cũng đã trồng được trên 6.000ha, cà phê có trên 4.000ha arabica, nhưng hầu hết chưa được chế biến sâu, chỉ là các hộ gia đình, cá nhân trồng và gom nhau vào sản xuất, trong khi công nghệ chế biến hầu như vẫn chưa có gì, vậy nên giá trị gia tăng tạo ra cho người dân trong quá trình tham gia cung ứng sản phẩm ra thị trường còn rất thấp. Hay với miến dong, Điện Biên hiện có vùng trồng khoảng hơn 2.000ha. Sản phẩm này cũng là một trong những sản phẩm chế biến nguyên sơ.
Theo Sở Công Thương Điện Biên, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại Điện Biên chủ yếu diễn ra ở quy mô hộ gia đình, thiếu sự liên kết, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa và nâng cao năng suất. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và gây khó khăn trong tiêu thụ, làm giảm thu nhập của nông dân.
Tạo động lực cho liên kết chuỗi
Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với nông dân Điện Biên. Chẳng hạn, tại xã Na Tông – huyện Điện Biên, UBND xã đã thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì liên kết thực hiện dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dứa Cayen theo chuỗi giá trị, nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, đất đai, đào tạo và xúc tiến thương mại. Huyện Điện Biên đã tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP theo đúng quy định về bao bì, tem, nhãn mác, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm dứa Cayen đã tìm được đầu ra tương đối ổn định.
![]() |
Doanh nghiệp quảng bá cho nông sản Điện Biên ở các sự kiện xúc tiến thương mại (Ảnh: Hoàng Khánh) |
Hoặc, Hợp tác xã sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên – TP Điện Biên Phủ được thành lập năm 2022, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt như bún, mì, với 90% công đoạn sản xuất được tự động hóa. Sản phẩm của hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Một đơn vị khác là Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Noong Luống - xã Noong Luống, huyện Điện Biên có 34 thành viên và diện tích trên 3,4 ha, hợp tác xã này trồng các loại rau màu như bí, cà chua, đỗ leo, đạt sản lượng 700 tấn/năm và doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã cũng thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.
Nhìn chung, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân đã giúp nhiều sản phẩm nông sản của Điện Biên vươn xa, tham gia vào các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình, sản phẩm gạo tám thơm, séng cù của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Trường Hương đã được giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh và nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng.
Trên thực tế, những năm qua, Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn chế biến nông, lâm sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: gạo tại huyện Điện Biên, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa… tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã được tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền, đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong tiêu thụ nông sản tại Điện Biên. Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ cũng chỉ rõ, để đạt được sự phát triển bền vững, cần tiếp tục thúc đẩy liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân tại Điện Biên đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị nông sản và cải thiện đời sống người dân. Việc tiếp tục thúc đẩy các mô hình liên kết, phát triển hợp tác xã và xây dựng thương hiệu cho nông sản sẽ là hướng đi đúng đắn cho nông nghiệp Điện Biên trong tương lai. |